Kinh nghiệm setup hệ thống mạng và wifi ở nhà
Nhìn chung, setup hệ thống mạng và wifi ở nhà thì không phức tạp như hệ thống mạng, wifi ở nhà hàng, doanh nghiệp mà có đông người dùng.
Tuy nhiên, có lẽ 1 số bạn có nhu cầu lắp mạng nhưng thiếu kiến thức, không biết bắt đầu từ đâu. Nên mình viết bài viết này cho các bạn có nhu cầu lắp mạng tham khảo.
Bài này mình sẽ không nói sâu, mô tả chi tiết về thiết bị, tính năng, giá cả của các thiết bị dành cho doanh nghiệp; và nói vừa đủ cho các thiết bị dành cho gia đình.
Nên sau khi bạn đọc xong, muốn biết chi tiết hơn về các thiết bị trong trường hợp nhu cầu về hệ thống mạng gia đình của bạn cao thì bạn hãy tham khảo bài viết về "kinh nghiệm setup hệ thống mạng cho nhà hàng thuần chay" nhé. Bài viết đó mô tả các kiến thức liên quan kĩ lưỡng hơn.
Vậy, ở bài viết này mình viết khái quát để các bạn dễ tiếp cận mà không cần hiểu sâu quá về lý thuyết.
Ở bài này, mình sẽ đi từ ví dụ mô hình nhà nhỏ (nhà thuê/ phòng trọ thuê chỉ có 1 tới 3 phòng) cho đến nhà cao tầng (từ 2 tới 5 tầng), rồi cho đến biệt thự (độ rộng nhiều hơn nhà phố).
1/ Trường hợp đơn giản nhất, lắp mạng cho phòng trọ có 1 phòng hoặc có 2 phòng liền kề
Giả sử, bạn là sinh viên và đang thuê 1 căn phòng trọ. Chủ trọ không có cung cấp internet cho khu vực của bạn. Vậy nên, bạn có nhu cầu lắp mới internet và sử dụng wifi.
Trường hợp này, bạn đơn giản chỉ cần gọi cho bên nhà mạng FPT, VNPT, Viettel để tư vấn giá cước. Sau khi chọn gói cước thì đóng tiền cho nhà mạng và bên lắp mạng sẽ đến lắp mạng và kí hợp đồng.
Họ sẽ câu dây cáp quang dữ liệu đến chỗ phòng trọ của bạn, lắp vào cái Modem (bộ chuyển đổi dữ liệu cáp quang bên ngoài sang dữ liệu nội bộ).
Và ngày nay, các modem của các nhà mạng đều có kèm wifi nên bạn không phải sắm thêm thiết bị phát sóng wifi nào hết. Họ sẽ cài đặt wifi gồm tên và password theo ý của bạn.
Hãy chỉ họ vị trí lắp modem wifi thuận tiện ở phòng trọ của bạn. Vì phòng trọ sinh viên nhỏ nên vị trí nào cũng thường bao phủ khắp phòng.
Modem wifi của nhà mạng ngày nay đều hỗ trợ phát sóng wifi ở tần số 2.4 Ghz và 5Ghz.
+ 5GHz thì phát sóng tốc độ nhanh nhưng không phát xa và tín hiệu bị yếu đi khi phát xuyên tường. Lý tưởng nếu bạn cần tốc độ wifi nhanh.
+ 2.4 GHz thì tốc độ chậm hơn nhưng có thể đi xuyên các vật cản, đi xuyên tường.
Như vậy, nếu phòng trọ của bạn có 2 phòng liền kề thì vẫn dùng được wifi.
Hoặc bạn có thể chia sẻ wifi cho hàng xóm 2 phòng trọ nhỏ liền kề nếu muốn. Nhưng dĩ nhiên, chất lượng wifi không bằng tại phòng bạn dùng sóng 5GHz.
Sóng 2.4 Ghz là dùng chuẩn Wifi N và có thể truyền xa, xuyên 1 phòng dùng vẫn tốt. Xuyên tới phòng thứ 2 hoặc 3 hoặc quá xa thì tín hiệu mới yếu dần. Nên bạn có thể miễn cưỡng share wifi cho 3, 4 phòng trọ gần đó.
Vậy, việc lắp đặt thì khá đơn giản. Và có lẽ khâu cần cân nhắc nhất là gói cước internet nên là tốc độ bao nhiêu.
Có các gói cước có tốc độ 100 Mbps, 150 Mbps, 200 Mbps, 300 Mbps, 500 Mbps.
Theo kinh nghiệm thì nếu chỉ có từ 2 tới 4 người dùng thì tốc độ 100 Mbps thì dư dùng rồi. Nhưng nếu 5 tới 6 người cùng xem Youtube hay tải file nặng, video call thì hơi miễn cưỡng chút. Còn lướt web, fb, nhắn tin, call bình thường thì vô tư.
Lâu lâu thì modem bị trục trặc khiến tốc độ chậm hoặc mạng không ổn định. Lúc đó, bạn nên tắt modem (bấm nút tắt hoặc rút điện) tầm 5 tới 10 giây rồi cắm vô lại. Tầm vài phút thì thấy bình thường.
Nhiều người không biết thì khi liên hệ nhà mạng cũng được chỉ như vậy. Nhưng 1 số bạn thì không biết thì lại để đó, nghĩ mạng bị tạm thời hoặc đành chịu mà không làm gì thì mất quyền lợi.
Bạn có thể cần reset 1 lần mỗi tuần để đảm bảo tốc độ internet ổn định.
Nếu giả sử bạn chia sẻ pass wifi cho nhiều người dùng. Và do nhiều người dùng quá khiến mạng chậm và bạn đổi ý không cho dùng chung wifi nữa thì bạn cần dùng PC/ Laptop, vào trình duyệt gỏ địa chỉ 192.168.1.1 để đăng nhập, cấu hình lại, sửa lại password hoặc tên wifi. Tại đây, bạn cũng có thể theo dõi xem có bao nhiêu người đang dùng wifi của bạn.
User và Pass đăng nhập modem mặc định thường là admin - admin hoặc xem thông tin phía sau modem nhà mạng. Trong trường hợp đổi pass đăng nhập modem và bạn lại không nhớ thì hãy gọi bộ phận kĩ thuật nhà mạng giải quyết.
Bạn nên đổi pass mặc địng của modem và các thiết bị mạng khác để tránh người dùng khác truy cập vào wifi hay mạng nội bộ là họ có thể truy cập và chỉnh sửa cấu hình thiết bị của bạn. Nếu là các hacker phá phách thì sẽ quậy hệ thống mạng của bạn cho vui. (Trường hợp là doanh nghiệp, việc hệ thống mạng vận hành trơn chu đóng vài trò quan trọng trong việc vận hành doanh nghiệp thì công tác bảo mật này rất quan trọng)
2/ Trường hợp bạn sống ở chung cư hoặc phòng trọ có 2 tới 4 phòng cùng nhiều người và có nhu cầu truy cập internet tốc độ cao
Nếu giống trường hợp trên, nhu cầu dùng internet của những người trong căn hộ/ phòng trọ lớn không quá cao thì modem mặc định của nhà mạng là đủ dùng rồi.
Nhưng có lẽ 1 số bạn có nhu cầu Livestream, Xem video 4K, chơi game cần tốc độ phản hồi nhanh, thường tải file dung lượng lớn thì cần nâng cấp chất lượng mạng mạnh hơn.
Do wifi 5 GHz thì đi xuyên tường không được tốt, còn wifi 2.4 GHz đi xuyên tường và xa nhưng tốc độ lại chậm. Nên có độ trễ khi thực hiện Livestream hay chơi game online cần tốc độ phản hồi cao.
Giải pháp:
B1. Tại Modem của nhà mạng thì có các cổng mạng. Bạn lắp dây mạng và đi dây đến phòng của người có nhu cầu dùng internet tốc độ cao. Dây mạng đó cắm trực tiếp vào máy tính hay PC của người muốn dùng đó.
Nếu căn hộ chung cư dùng trần thạch cao hay la phông thì có thể đi âm trần cho đẹp, không bị dây loằng ngoằng mất thẩm mỹ.
Các thợ điện đều có thể đi dây âm trần như vậy. Thợ mạng thì một số có thể không rành, nhất là người không chuyên (IT lập trình họ không chuyên công việc bên mạng nên chỉ biết bấm dây cáp và lắp vào các thiết bị chứ không biết đi dây gọn, đẹp hay đi dây âm trần, âm tường).
B2. Nếu phòng đó có nhiều máy PC hoặc Laptop có nhu cầu dùng internet tốc độ cao thì bạn hãy sắm:
2.1. Có thể là 1 cái switch chia mạng, giá tầm <300k để chia nhiều dây mạng cho nhiều máy
Hãy chọn switch có các cổng hỗ trợ tốc độ 1 Gbps (1000 Mbps) để có được tốc độ cao. Có thể chọn switch 4 port, 5 port hoặc 8 port Gigabit của TP-link (hay các hãng khác) tùy theo nhu cầu. (Nếu chia port cho máy tính bàn văn phòng, hay máy in thì mình chỉ đề xuất switch 4/8 port hỗ trợ tốc độ 100 Mbps thôi cho tiết kiệm tiền)
2.2. Có thể là 1 cái router wifi dòng dành cho gia đình
Muốn tốc độ kết nối nhanh và ổn định cho nhiều thiết bị thì nên dùng router wifi chuẩn AX (wifi 6) . Ví dụ, router wifi AX10 của TP-Link, giá tầm 1 triệu. Có các loại tốt hơn nhưng có lẽ không cần thiết nên mình không đề cập.
Nhưng có lẽ router wifi 5 (chuẩn AC) cũng đủ dùng cho tầm 5, 6 thiết bị cần truy cập internet tốc độ cao rồi. Giá router wifi 5 dòng gia đình (Home Router) giá tầm trên dưới 500k.
Đa số router wifi 6 thì cổng mạng hỗ trợ tốc độ 1 Gbps (1000 Mbps) còn wifi 5 thì có loại hỗ trợ tốc độ 1 Gbps, có loại hỗ trợ tốc độ 100 Mbps thôi.
Nếu dùng Router thì hãy chắc chắn là bạn phải tắt chức năng DHCP server của router đó để tránh trùng IP (vì modem đang có chức năng DHCP, tức là cấp phát địa chỉ IP, nên 2 DHCP server thì cùng cấp phát khiến cho có thể có 2 máy trùng IP) khiến có máy không thể kết nối mạng. Hoặc bạn cũng có thể cấu hình router wifi như là 1 access point thì mặc định là tắt DHCP server rồi.
B3. Ngoài việc tối ưu tốc độ dây cáp 1Gbps và wifi 5Ghz, và chuẩn wifi cao giúp kết nối mượt cho nhiều thiết bị thì bạn có thể cũng cần tăng tốc độ gói cước internet. Vd, đang dùng 100 Mbps thì tăng gói cước lên 200 Mbps.
Nhưng đảm bảo các thiết bị mạng như Switch, Router wifi có các cổng hỗ trợ tốc độ 1 Gbps (thay vì chỉ có 100 Mbps) để có thể tối ưu tốc độ của gói cước internet tốc độ cao.
3/ Trường hợp lắp internet cho 1 căn nhà từ 2 đến 5 tầng
Giả sử mỗi tầng có diện tích từ 60m2 đến 100m2
Trong trường hợp này, để wifi có sóng tốt thì mỗi tầng nên có 1 bộ phát wifi (access point hoặc router wifi)
Với diện tích như vậy thì dùng Home Router wifi (dòng dành cho gia đình) thì đủ để dùng cho 1 tầng rồi. Hãy lắp cục router wifi ở vị trí giữa của nhà ở mỗi tầng sao cho nếu xuyên phòng thì ít tường cản nhất.
Hoặc đặt nó trong phòng của người có nhu cầu dùng internet tốc độ cao. Như vậy, họ có thể tận dụng wifi tần số 5GHz. Còn các phòng còn lại thì tần số 2.4 GHz thì truyền xuyên tường vẫn tốt.
Trường hợp trên thì dùng wifi Home Router của tp-link chuẩn AX hay AC đều được.
Nếu muốn khi di chuyển sang tầng khác mà không cần thay đổi wifi mà để các bộ phát wifi tự đàm phán và thay đổi thì nên dùng bộ phát wifi có chức năng Mesh (các bộ phát wifi cùng dùng chung 1 tên wifi và bạn di chuyển gần bộ phát nào thì sẽ được kết nối với bộ phát đó).
Đa số các router wifi 6 (chuẩn AX) của TP-Link đều hỗ trợ chức năng Mesh như One Mesh và Easy Mesh. Ví dụ, TP-Link AX10 giá tầm 900k trở lại.
Còn router wifi 5 (chuẩn AC) của TP-Link thì 1 số dòng có hỗ trợ Easy Mesh như C64 trở lên, giá tầm 1 triệu. Còn các dòng cũ thì không hỗ trợ đủ. Nên bạn cần nghiên cứu kĩ.
Trường hợp nếu có phòng nào cần tốc độ kết nối nhanh, mượt thì ngoài để cục phát wifi bên trong phòng thì có thể kéo dây (trong mỗi router wifi có tầm 3, 4 cổng để lắp dây mạng). Thường thợ điện biết cách đi trần giúp dây gọn gàng, giữ được tính thẩm mỹ của căn nhà.
Nếu xây nhà ngay từ đầu thì bạn có thể đề xuất thợ điện lắp âm tường cho gọn đẹp. Nhưng nhớ dùng dây mạng có bọc chống nhiễu FTP Cat5e hoặc SFTP Cat5e thì càng tốt. Và tránh lắp đặt chạy song song, chung sát với đường dây điện để tránh nhiễu tín hiệu. (Nên lắp cách đường dây điện tối thiểu 30cm thì tốt. Còn vị trí cắt ngang ngắn thì không sao).
Nếu dây mạng gần đường dây điện hay thiết bị gây nhiễu sóng thì đường truyền mạng sẽ hay bị trục trặc và do lắp âm tường nên khó thay đổi sửa chữa. Nên nếu bắt âm tường thì cần phải lên kế hoạch và thiết kế chỉnh chu.
Ngoài ra, độ dài của mỗi dây nên dưới 50m (tối đa 100m, nhưng dưới 50 cho chắc). Nếu dài hơn thì nên lắp trung gian qua router hoặc switch khác vì truyền đi xa thì tín hiệu sẽ bị giảm.
Trường hợp xây nhà, lắp âm tường, nếu muốn mỗi phòng đều có cổng mạng âm tường để lắp dây nối router, switch, PC, Laptop thì chỗ Modem internet cần có 1 switch có 8 port/ 16 port (tùy số phòng hay port âm tường cần kết nối).
Nhớ là nếu số tầng quá cao, cần đoạn dây dài hơn 50m thì nên nối trung gian qua switch 4 port/ 8 port khác hoặc router khác để đường dây nhận tín hiệu tốt. Và nên dùng switch có các cổng mạng hỗ trợ tốc độ 1000 Gbps để có thể tối ưu đường truyền tốc độ cao. (Tuy lúc đầu không cần nhưng biết đâu lúc sau bạn cần nâng cấp gói cước tốc độ cao hơn 100 Mbps như 150, 200, 300 Mbps).
Dây nối vào âm tường thì nên dài 1 chút để lỡ bấm sai hay ai đó nghịch làm đứt dây hoặc do sự cố gì đó thì vẫn có độ dài để có thể bấm lại cáp mạng.
4/ Giống trường hợp trên nhưng với số lượng người dùng lớn
Cùng là 1 căn nhà từ 2 đến 5 tầng đó nhưng số người sinh sống và sử dụng internet trong đó cũng ảnh hưởng đến việc thiết kế mạng.
Giả sử, nếu số người dùng từ 2 tới 10 người, mỗi người có tầm 2 đến 3 thiết bị kết nối internet thì tổng số thiết bị tầm 20 tới 30 thiết bị. Trường hợp vậy thì các router wifi chuẩn AC, AX mình giới thiệu trên thì đều có khả năng chịu được.
Thường không có con số chính xác từ nhà cung cấp nhưng mình ước lượng home router wifi chuẩn AC có thể chịu tải tầm 30+ thiết bị kết nối và home router wifi chuẩn AX có thể chịu tải tầm 50+ thiết bị kết nối tùy từng SP.
Tuy nhiên, modem mặc định của nhà mạng đang đóng vai trò là gateway thì có lẽ chịu tải thấp hơn (không rõ số liệu nhưng có lẽ từ 10 tới 30 thiết bị). Nên hỏi nhà mạng để biết rõ thông số đó.
Vậy, tuy các router wifi chịu tải cao nhưng gateway (đang là modem chịu tải thấp) thì chịu tải không được số lượng người dùng nên sẽ xảy ra nghẽn mạng khi có nhiều người, nhiều thiết bị cùng truy cập. Ví dụ, nếu có tầm 20 người ở, mỗi người có 2-3 thiết bị kết nối internet đồng thời thì tổng số thiết bị có thể là 40 tới 60 làm quá tải khả năng của gateway (modem mặc định của nhà mạng).
Giải pháp:
1/ Hãy cho 1 router wifi loại tốt (như AX10 hay loại tốt hơn) ở vị trí gần modem nhà mạng, kết nối với cổng WAN của router với modem đó qua dây mạng và cấu hình để router wifi đó là gateway xử lý mạng trung gian giữa mạng nội bộ (mạng LAN) và mạng bên ngoài (mạng WAN). Việc này cần thông số của nhà mạng nên cần liên hệ nhà mạng để cung cấp thông tin user, pass thuê bao hoặc phối hợp với nhà mạng để cấu hình.
Như vậy, lúc này Modem nhà mạng chỉ chuyển đổi dữ liệu cáp quang sang cáp mạng nội bộ. Còn Router wifi đó đóng vai trò là gateway, quản lý các thiết bị mạng nội bộ và các cổng sẽ nối với switch và các thiết bị khác thay thế modem.
Do các Home Router cao cấp của TP-link có cấu hình phần cứng tốt hơn nên quản lý được nhiều thiết bị hơn. Nhưng không rõ quản lý được bao nhiêu, nhà sản xuất không cung cấp rõ thông tin.
2/ Giải pháp tốt hơn là sử dụng Gateway chuyên nghiệp như TP-Link TL-ER605 (không rõ khả năng chịu tải, có nguồn không chính thức nói là 60 thiết bị), giá tầm 1.3 triệu hay Draytek Vigor 2925 (chịu tải 100 thiết bị) giá tầm 3.2 triệu.
Cách sử dụng, cấu hình giống trường hợp trên.
Cấu hình gateway thì phức tạp hơn, và cần thông số của nhà mạng nên bạn cần liên hệ với nhà cung cấp internet của bạn để họ hỗ trợ cấu hình.
.....
Giả sử, bạn muốn lắp thêm hệ thống camera IP (vd, camera hãng Imou) thì có thể kết nối đến wifi. Như vậy, chỉ cần đi dây điện tới thiết bị.
Nếu camera ngoài trời thì mua dòng camera chống nước. Có thể đi dây mạng POE (dùng switch hỗ trợ cổng POE hoặc nguồn POE cho camera rồi dùng bộ chia POE đầu ra) để cấp nguồn điện cho camera qua dây mạng nếu trường hợp đi dây điện khó khăn, nguy hiểm hơn, hoặc vị trí quá xa nguồn điện và wifi thì đi dây mạng tiết kiệm tiền hơn.
Nếu camera ở vị trí mà dây mạng phải đi ngoài trời mưa thì nên dùng cáp mạng ngoài trời có khả năng chịu mưa và các tác động mạnh. Giá cao hơn nhưng vẫn rẻ hơn dây điện.
5/ Trường hợp biệt thự rộng hoặc toà nhà diện tích lớn từ 100m2 tới 200m2
Trường hợp này thì 1 home router mỗi tầng có lẽ sóng wifi sẽ không đủ rộng để phủ nguyên tầng. Và có thể có nhiều phòng và vật dụng khiến có nhiều vật cản làm sóng wifi bị yếu.
Giải pháp:
1/ Dùng Access Point Wifi dành cho doanh nghiệp
Ví dụ TP-Link EAP115 300 Mbps (wifi 4 chuẩn N), giá tầm 700k (nên tìm hiểu nhiều nhà cung cấp khác nhau để có giá tốt). Hỗ trợ 2 cổng LAN 100 Mbps, trong đó có 1 cổng LAN hỗ trợ POE (nhận cấp điện qua dây mạng).
Wifi dành cho doanh nghiệp tuy chuẩn thấp nhưng độ phủ rộng, chuyển vùng mượt mà hơn Home Router Wifi và có khả năng chịu tải cao, tầm 100+ thiết bị, cùng với các tính năng bảo mật, tính năng dễ dàng quản lý qua Cloud. Dĩ nhiên, giá cả cũng cao hơn so với các Home Router wifi cùng chuẩn khác.
Hoặc, nếu cần tốc độ kết nối cao hơn, tối ưu đường truyền tốc độ cao (>100 Mbps, EAP 115 hỗ trợ cổng LAN có 100 Mbps thôi) thì nên dùng dòng EAP 225 AC1350, giá tầm 1.5tr. Loại AP (access point) này hỗ trợ wifi 5, hỗ trợ 2 cổng mạng LAN tốc độ 1Gbps (1000 Mbps) và trong đó có 1 cổng nguồn POE (dùng switch hỗ trợ POE hay nguồn POE chuyên dụng để đưa điện qua dây mạng cắm trực tiếp vô cổng LAN POE mà không cần bộ chia hay nguồn điện cắm vào).
2/ Đặt thêm router wifi hay switch cho phòng thiếu sóng wifi
Nếu đi dây âm tường, âm trần thì ai có nhu cầu thì đặt thêm router wifi hay switch để dùng riêng. Nếu dùng Router thì nhớ tắt chức năng DHCP server để tránh trùng IP gây ảnh hưởng kết nối đến 1 số thiết bị.
3/ Phân ra làm 2 khu vực để 2 router wifi mỗi tầng
Như vậy cũng giúp tăng độ rộng vùng phủ sóng.
....
Các trường hợp trên tùy nhu cầu và kết cấu phòng của mỗi hộ gia đình.
6/ Số lượng tầng và độ rộng nhiều hơn
Trường hợp này chắc là doanh nghiệp, văn phòng lớn hay tòa nhà lớn rồi.
Trường hợp vậy có lẽ cần phân ra nhiều khu vực và dùng các access point dành cho doanh nghiệp và dùng Gateway chuyên nghiệp để đáp ứng số lượng lớn người dùng.
Đôi khi, số lượng người dùng lớn, tầm hơn 200 nhân viên, khách hàng hay người dùng khác nên phải dùng các Gateway có độ chịu tải cao như Draytek 2927 (chịu tải 150 user) hay có các loại Gateway Draytek cao cấp hơn chịu tải 300 user, 500 user.
Trường hợp này thường phải lập sơ đồ mạng, có kĩ năng thiết kế, cấu hình mạng tốt, nắm vững kiến thức về hệ thống mạng nên thường là chuyên gia hệ thống mạng mới làm được.
Thường trong dân dụng ít gặp trường hợp này. Mình làm cho doanh nghiệp nhỏ và nhà hàng thuần chay nên cũng chưa đụng đến trường hợp này.
Và nếu trên 500 người dùng, trong tòa nhà văn phòng lớn thì chắc phải kết hợp nhiều giải pháp đặc biệt trong việc vận dụng và cấu hình thiết bị.
Vì số lượng người dùng cao thì có lẽ tốc độ internet 1Gbps (1000 Mbps) cũng không đủ. Giả sử mỗi người dùng 5Mbps thì 100 người dùng 500 Mbps, 500 người dùng hết 2500 Mbps rồi.
Nên trường hợp này đôi khi nhánh chính cần các sợi dây mạng Cat 7, 8 hỗ trợ tốc độ 10 Gbps và các thiết bị mạng nối các nhánh mạng chính cũng cần hỗ trợ tốc độ mạng 10 Gbps trở lên. Tốc độ internet đầu vào cũng phải cao, đôi khi là 3 đường dây 1000 Gbps của các nhà mạng kết hợp, cho vô Gateway hỗ trợ kết nối nhiều cổng WAN.
Việc cấu hình các thiết bị mạng cũng rất phức tạp. Ai học IT chuyên mạng thì chắc họ rành, mình hồi lâu học mảng lập trình nên không đủ kiến thức và kinh nghiệm cho khâu này. Người không chuyên thì chắc chỉ biết lắp và cấu hình cho 200 user trở xuống là vừa.
Hoặc phải liên hệ nhà mạng, họ có bộ phận IT mạng đủ kiến thức chuyên môn để xử lý các tình huống như vậy.
Thường các công ty lớn cỡ vậy chắc có bộ phần IT mạng chuyên nghiệp để cùng làm, ít thuê ngoài nên đa số ít người gặp các trường hợp vậy.
7/ Tổng Kết
Như vậy, mình đã chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để lắp đặt, bảo trì hệ thống mạng cho phòng trọ, nhà cao tầng cho người dùng cá nhân và hộ gia đình.
Hi vọng kiến thức này giúp ích được cho bạn.
Nhận xét
Đăng nhận xét